a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.
Hiển thị các bài đăng có nhãn HOANG DIEU NGAY XUA. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn HOANG DIEU NGAY XUA. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2018

Những bức thư để đời (Kỳ 3): Quan Tổng đốc Hoàng Diệu xả thân giữ thành Hà Nội

Những bức thư để đời (Kỳ 3): Quan Tổng đốc Hoàng Diệu xả thân giữ thành Hà Nội

Chuyên mục Văn Hoá – Thời báo Đại Kỷ Nguyên xin trân trọng giới thiệu loạt bài: “Những bức thư để đời”. Trong loạt bài này, chúng tôi sưu tầm và giới thiệu những bức thư nổi tiếng của các danh nhân tự cổ chí kim, hoặc từ trong các tác phẩm văn học nghệ thuật đặc sắc. Ấy là những lời tâm huyết nhất của những người trong cuộc gửi trao cho nhau biết bao nỗi niềm tâm sự và tư tưởng tình cảm tốt đẹp, nhân văn, cao thượng; qua đó cung cấp cho ta sự tham khảo tốt để xử lý những tình huống trong cuộc sống; hay đơn giản là mang đến một góc nhìn mới mẻ về con người và sự kiện.
Kỳ 3: Quan Tổng đốc Hoàng Diệu xả thân giữ thành Hà Nội
Năm 1880, trước khi lên đường đi nhậm chức Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội, Ninh Bình), Hoàng Diệu về quê thăm mẹ, có ghé làng Đông Bàn thăm Phạm Phú Thứ. Hai ông đàm đạo về thời thế rất lâu. Trước khi chia tay, hai vị quan đầu triều vái lạy tạ từ nhau. Ngờ đâu, đó lại là lời chào vĩnh biệt…
Lúc bấy giờ, người Pháp đã chiếm được toàn bộ miền Nam và từng đem quân ra đánh miền Bắc. Thành Hà Nội thất thủ, Tổng đốc quân vụ Bắc Kỳ Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết. May nhờ mưu kế của Tôn Thất Thuyết và Hoàng Tá Viêm mà Pháp buộc phải ký hoà ước trả lại thành Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định cho Việt Nam. Tuy nhiên, dã tâm của họ vẫn chưa hề vơi giảm.
Trong bối cảnh ấy, việc trấn giữ thành Hà Nội trở thành nhiệm vụ cấp bách, khó khăn và nguy hiểm. Nhiệm vụ ấy được vua Tự Đức giao phó cho Hoàng Diệu.
Quan Tổng đốc Hoàng Diệu xả thân giữ thành Hà Nội
Hoàng Diệu tên thật là Hoàng Kim Tích, tự Quang Viễn, hiệu Tỉnh Trai. Ông sinh ngày 10 tháng 2 năm Kỷ Sửu (1829) trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Xuân Đài, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Gia đình ông có bảy anh em thì một người đỗ phó bảng, ba người đỗ cử nhân và hai người đỗ tú tài trong các kỳ thi dưới thời vua Tự Đức.
Vừa ra đến Hà Nội, Hoàng Diệu đã bắt tay ngay vào đào hào đắp luỹ, tổ chức phòng thủ, huấn luyện binh sĩ sẵn sàng nghênh địch. Nhận thấy lực lượng trấn thành binh mỏng khí thô, Hoàng Diệu nhiều lần dâng sớ xin triều đình chi viện. Nhưng khi ấy, triều đình Huế nhu nhược đương cơn hoảng loạn, nội tình mâu thuẫn rối ren, phe chủ hoà lấn lướt phe chủ chiến. Bởi vậy, sớ dâng của Hoàng Diệu không được hồi âm.
Thấy triều đình nhà Nguyễn đã run sợ, Pháp tìm cách gây sự hòng đưa quân ra Bắc. Năm 1882, Pháp phái 400 quân sĩ dưới sự chỉ huy của đại tá Henri Rivière ra Bắc, đóng tại Đồn Thuỷ cách thành Hà Nội 5km về phía bắc sẵn sàng chờ lệnh.
Trước tình thế đó, một mặt, Hoàng Diệu hạ lệnh giới nghiêm thành Hà Nội, yêu cầu các tỉnh xung quanh sẵn sàng chiến đấu; mặt khác, ông yêu cầu triều đình Huế gửi viện binh.
Tuy nhiên, vua Tự Đức cùng phe chủ bại chỉ lo làm mất lòng người Pháp thì sẽ không bảo toàn được ngai vàng và triều đình. Để xoa dịu người Pháp, không những không gửi thêm viện binh, nhà vua còn hạ chiếu quở trách Hoàng Diệu.
Thấy rõ triều đình Huế đã rệu rã tinh thần chiến đấu, ngày 25 tháng 4 năm 1882, đại tá Henri Rivière nghênh ngang cho tàu chiến áp sát thành Hà Nội, gửi tối hậu thư yêu cầu Tổng đốc Hoàng Diệu tự phá hệ thống phòng thủ trong thành, giải giới binh sĩ vào đúng 8 giờ, các vị quan trên dưới trong thành phải ra trình diện, tạo điều kiện để quân Pháp vào thành “kiểm kê”.
Để tránh thương vong, Hoàng Diệu phái quan Án sát Tôn Thức Bá đi điều đình với quân Pháp. Trước đó, Tôn Thức Bá đã cùng với quan Tổng đốc Hoàng Diệu và các bạn đồng liêu thề quyết tử với thành Hà Nội.
Tuy nhiên, Henri Rivière không hề đếm xỉa tới chuyện điều đình. Đúng 8h15 phút, không thấy các quan thủ thành ra trình diện, Henri Rivière hạ lệnh cho các tàu chiến nã pháo vào thành yểm trợ cho quân binh đổ bộ chiếm thành.
Thấy quân Pháp nã pháo vào thành, Tôn Thức Bá hoảng sợ trốn chạy. Ông ta còn đích thân tìm đến nơi quân Pháp đồn trú, xin thông báo tình hình trong thành hòng mong được người Pháp đoái công. Chẳng những thế, Bá còn tự tay thảo sớ tâu vua đổ tội cho Hoàng Diệu, xin Pháp cho được làm Tổng đốc Hà Ninh thay Hoàng Diệu.
Trong tình cảnh bị tâm phúc phản bội, hoả binh Pháp mạnh hơn nhiều lần, quan Tổng đốc Hoàng Diệu vẫn chỉ đạo quân dân quyết chiến bảo vệ thành. Quân Pháp thiệt hại nặng nề, đành lui binh ra ngoài tầm bắn của quân dân Hà thành để bảo toàn lực lượng.
Tuy vậy, một biến cố bất ngờ xảy đến khiến đội quân của Hoàng Diệu rối ren – kho thuốc súng trong thành nổ tung khiến khói bụi mịt mù bao phủ khắp thành. Quân Pháp thừa cơ tấn công mạnh mẽ. Chỉ trong chốc lát, cổng Tây thành Hà Nội bị phá tan tành.
Trong lúc quân ta chưa kịp định thần, quân Pháp đã ùa cả vào thành. Quan binh dưới trướng Tổng đốc Hoàng Diệu cả kinh bỏ thành chạy thoát thân.
Trước thế tấn công như vũ bão của quân Pháp và lực lượng quân triều đình ngày càng mỏng hơn, cuối cùng, Hoàng Diệu đành hạ lệnh cho quân lính giải tán để tránh thương vong.
Còn lại một mình, Hoàng Diệu quay vào hành cung, cắn đầu ngón tay lấy máu thảo di biểu tạ tội với nhà vua. Sau đó, ông ra trước Võ miếu dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự vẫn để không rơi vào tay giặc.
Nghe tin Hoàng Diệu tuẫn tiết, sĩ dân Hà Nội vô cùng thương tiếc, ngay ngày hôm sau đã đưa thi hài ông về mai táng tại khu vườn dinh Đốc học. Gần nửa tháng sau, bà Hoàng Diệu “đang đi cấy, được tin, đứng mà mất”… [1]
Lá thư cuối cùng của quan Tổng đốc Hoàng Diệu gửi vua Tự Đức và triều đình
Có câu rằng: Lời nói phút lâm chung là lời chân thật nhất. Đọc bức di thư của Hoàng Diệu, chúng ta như được cùng thổn thức với tấm lòng sắt son của vị trung thần tiết liệt. Đau lòng thay, vị anh hùng dân tộc vào thời khắc cuối cùng ấy dường như rất… cô đơn! Triều đình thì dửng dưng trách phạt, tâm phúc thì làm phản, quan sĩ dưới quyền thì tháo chạy thoát thân… Nhưng chính cái rối ren của thời mạt ấy đã làm nổi bật lên đức sáng của ông: Người quân tử hành xử theo Đạo, chết cũng không hối tiếc. Đúng như câu thơ: “Tật phong tri kình thảo, bản đãng thức thành thần” (Gió lớn mới biết cỏ cứng, hỗn loạn mới biết trung thần – Đường Thái Tông).
Mà không! Hoàng Diệu chẳng hề cô đơn. Có một người chí đồng đạo hợp với ông, đang chờ đợi ông trở về: đó là Nguyễn Tri Phương.
Có lẽ vì thế mà hôm nay, tên của Tổng đốc Hoàng Diệu được đặt cho con đường rợp bóng cây xanh chạy phía Tây thành cổ, song song với phố Nguyễn Tri Phương. Bàn thờ ông cũng được lập bên cạnh bàn thờ quan Tổng đốc Nguyễn Tri Phương trên vọng lâu Bắc Môn, quanh năm mở cửa, để nhân dân lúc nào cũng có thể tới thắp nhang tri ân hai vị anh hùng đã xả thân vì thành Hà Nội.
Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với quý độc giả trích đoạn bức di thư của Tổng đốc Hoàng Diệu (Hoàng Tạo dịch):
“Tôi học lực thô sơ, trách nhiệm quá lớn, được ủy thác giữ cả một phương diện, trong khi ba cõi chưa yên. Một gã thư sinh vốn chưa quen việc chính trị, mười năm hòa ước, tin sao được lòng kẻ thù.
Tôi từ khi vâng mệnh ra đây đã được ba năm, thường huấn luyện quân sĩ, sửa sang thành trì, không những chỉ để củng cố đất ta, mà còn để ngăn chặn loài lang sói nữa.
Dè đâu chim còn đang ràng tổ, thú đã vội thay lòng, ngày tháng hai năm nay bỗng thấy tàu Tây tụ tập, đồn quân thêm nhiều, quân nó từ xa đến, lòng dân ta xôn xao.
Tôi thiết nghĩ Hà Nội là cổ họng của miền Bắc, mà là đất trọng yếu của nước nhà, nếu một khi mà đổ sụp thì các tỉnh khác cũng tan rã theo, vì thế tôi lấy làm lo sợ, một mặt kíp tư cho các hạt lân cận, một mặt báo tin lên triều đình, xin cho thêm quân để kịp đối phó.
Không ngờ mấy lần có chiếu xuống: Hoặc trách tôi là nắm binh quyền mà lòe nạt, hoặc kết tội tôi là xử lý chưa được thích nghi; cúi đọc lời phán truyền, thực nghiêm khắc hơn rìu búa! Kẻ dưới quyền thất vọng, khôn tính bước tiến lui.
Vẫn biết rằng chuyên chế kém tài, đâu dám cậy cái nghĩa bậc đại phu ra giữ bờ cõi, chỉ nơm nớp tự mình nhắc nhở, phải kính theo tấm lòng thờ vua của người xưa.
Hằng ngày bàn bạc với đôi ba người chức việc, có người bàn nên mở cổng cho chúng tự do ra vào; có người bàn nên rút hết quân đi, để chúng khỏi ngờ vực. Những kế đó dù tôi có phải nát thịt tan xương, cũng không bao giờ nỡ làm.
Việc điều động chưa xong thì chúng liền giở mặt. Ngày mồng 7 tháng này, chúng hạ chiến thư, ngày hôm sau là chúng tiến đánh, quân chúng đông như kiến tụ, súng chúng gầm như sấm vang; ngoài phố lửa cháy tràn lan, trong thành ai nấy táng đởm, tôi vẫn gượng bệnh đốc chiến, đi trước quân lính, bắn chết được hơn trăm tên, giữ thành được nửa ngày.
Vì chúng nó sung sức mà quân ta kiệt hơi rồi, lại thêm tuyệt đường cứu viện, thế lâm đường cùng, quan võ thì sợ giặc chạy trốn từng đàn, quan văn nghe gió cũng chạy theo nốt! Lòng tôi đau như cắt, một tay không thể duy trì. Đã không tài làm tướng, than thân sống cũng bằng thừa; thành mất cứu không xong, biết chắc chết không hết tội! Rút lui để tính toán về sau ư? Mưu trí đã thua Tào Mạt, cắt cổ để cho tắc trách, hành vi đành bắt chước Trương Tuần! Dám rằng trung nghĩa gì đâu, chẳng qua sự thế phải thế!
Trung nguyên mà đắm chìm thành đất giặc, sống càng sạn mặt với nhân sĩ kinh kỳ, cô trung quyết sống thác với thành Rồng (Thăng Long thành) thì xin theo bậc tiên thần họ Nguyễn (Nguyễn Tri Phương) dưới chín suối!
Mấy dòng lệ máu, muôn dặm cửa trời, chỉ mong rực rỡ đôi vầng, xét soi thấu tấc son là đủ!”
Thanh Ngọc
Chú thích:
[1] Theo Trai nước Nam làm gì, Hoàng Đạo Thuý.
Tham khảo:
https://www.dkn.tv/van-hoa/tong-doc-ha-thanh-hoang-dieu-va-cai-chet-khien-nguoi-anh-hung-song-mai.html
http://www.hoangthanhthanglong.vn/blog/quan-tong-doc-hoang-dieu-vi-quan-tran-thanh-ha-noi-kien-trung/211
http://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/nha-vat/201710/hoang-dieu-va-thanh-guom-de-lai-763080/

Tổng đốc Hà thành Hoàng Diệu và cái chết khiến người anh hùng sống mãi

Hoàng Diệu là tấm gương sáng về lòng yêu nước, một người có chính khí cao, thà chết chứ không chịu cúi đầu – “khảng khái như ông được mấy người?” –  là một bậc anh hùng của dân tộc, sống mãi cùng đất nước. 
Kể từ năm 1867, cả miền Nam nước Việt đã hoàn toàn rơi vào tay người Pháp. Năm 1873, Pháp đưa quân đánh thành Hà Nội lần thứ nhất, Tổng đốc quân vụ Bắc Kỳ Nguyễn Tri Phương thất trận phải tuẫn tiết. Ấy vậy mà triều đình nhà Nguyễn vẫn chưa đề ra được một sách lược nào khả dĩ để bảo vệ đất nước. Vua Tự Đức lúng túng, bất lực trước sự sống còn của đất nước và dân tộc.
(Ảnh: Internet)

Nội bộ triều đình phân hóa sâu sắc, chia ra nhiều phái: Phái chủ hòa gồm những nhân vật chính yếu như: Trần Tiễn Thành, Nguyễn Bá Nghi, Lâm Duy Hiệp, Trương Quốc Dụng… Phái “bão hòa làm tay sai cho Pháp” gồm Tôn Thọ Tường, Trần Bá Lộc, Đỗ Hữu Phương… Phái chủ chiến đánh Pháp đến cùng gồm các quan đại thần: Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Thuyết, Ông Ích Khiêm, Hoàng Diệu… Thời điểm này trong hàng quan lại của triều đình và sĩ phu trong nước đã rộ lên phong trào mang tư tưởng canh tân đất nước.
Vào thời kỳ này, nước Pháp đang khao khát mở rộng thị trường thuộc địa, thông qua chiến thuật, chiến lược chiếm đóng, cai trị. Chính phủ Pháp quyết tâm xâm chiếm cả Đông Dương, bao gồm Việt Nam, Lào và Campuchia. Pháp đã lợi dụng tình hình chia rẽ trong nội bộ triều đình nhà Nguyễn, chủ trương dùng vũ lực tiến đánh thành Hà Nội một lần nữa. Năm 1880, vua Tự Đức bổ nhiệm Hoàng Diệu làm Tổng đốc hai tỉnh Hà Nội và Ninh Bình.
Hoàng Diệu còn có tên là Hoàng Kim Tích, tự Quang Viễn, hiệu là Tĩnh Trai. Ông sinh vào ngày 10 tháng 2 năm 1829 tại làng Xuân Đài, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1848, Hoàng Diệu đỗ cử nhân, năm 1853 đỗ Phó bảng. Ông được bổ nhiệm làm Tri huyện Tuy Phước, rồi được thăng chức Tri phủ huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định.
Năm 1877, Hoàng Diệu được cử làm Tham tri Bộ Hình, Tham tri Bộ Lại, coi Viện Đô sát và được tham dự vào công việc Cơ mật viện. Ông cũng là người được triều đình cử giữ chức Phó toàn quyền đại thần để hiệp thương với sứ bộ Tây Ban Nha. Hoàng Diệu là người nổi tiếng công minh, thanh liêm và văn võ song toàn.
(Ảnh: Internet)
Khi nhận chức Tổng đốc hai tỉnh Hà Nội và Ninh Bình, Hoàng Diệu đã thấy rõ vị thế trọng yếu của thành Hà Nội. Ông tự nêu trong sớ tâu lên Tự Đức: “Thành Hà Nội như cuống họng của cả Bắc kỳ. Nếu một ngày tan tành như đất lở, thì các tỉnh miền Bắc lần lượt mất như ngói bung”. Dự đoán thế nào Pháp cũng đánh thành Hà Nội, ngay khi trấn nhậm Hà Nội, Hoàng Diệu khẩn trương bắt tay vào việc đào hào, đắp lũy, tổ chức phòng thủ và sẵn sàng chiến đấu.
(Ảnh: Internet)
Ngày 26/03/1882, Đại tá Henry Rivière chỉ huy hơn 600 lính Pháp và 3 pháo hạm tiến quân theo đường sông Hồng để tiến đánh Hà Nội. 5 giờ sáng ngày 25/04/1882, Henry Rivière gởi tối hậu thư cho Hoàng Diệu đòi phải triệt thoái quân đội, buộc quan quân phải tới dinh của hắn để trình diện. Hoàng Diệu tiếp tối hậu thư, phẫn uất trước thái độ ngang ngược của Pháp, ông liền phân công Án sát Tôn Thất Bá đi gặp quân Pháp để điều đình.
(Ảnh: Internet)
Nhưng, đến 8 giờ 15 phút, Henry Rivière tấn công thành Hà Nội. Trước hỏa lực của quân cướp nước, Hoàng Diệu quyết liệt đối phó, ông chỉ huy quân sĩ chống cự ở phía Bắc. Trong khi ấy, Án sát Tôn Thất Bá chạy trốn và theo giặc Pháp. Khi đánh nhau, kho thuốc súng trong thành Hà Nội nổ. Bố chính Nguyễn Văn Tuyển, Đề đốc Lê Văn Trinh bỏ thành chạy. Thành vỡ. Một mình Hoàng Diệu vào hành cung thảo tờ di biểu gởi vua Tự Đức rồi đến trước võ miếu dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự tử. Trong di biểu gởi vua Tự Đức và triều đình, Hoàng Diệu đã viết:
Tôi học lực thô sơ, trách nhiệm quá lớn, được ủy thác giữ cả một phương diện, trong khi ba cõi chưa yên. Một gã thư sinh vốn chưa quen việc chính trị, mười năm hòa ước, tin sao được lòng kẻ thù.
Tôi từ khi vâng mệnh ra đây đã được ba năm, thường huấn luyện quân sĩ, sửa sang thành trì, không những chỉ để củng cố đất ta, mà còn để ngăn chặn loài lang sói nữa. 
Dè đâu chim còn đang ràng tổ, thú đã vội thay lòng, ngày tháng hai năm nay bỗng thấy tàu Tây tu tập, đồn quân thêm nhiều, quân nó từ xa đến, lòng dân ta xôn xao.
Tôi thiết nghĩ Hà Nội là cổ họng của miền Bắc, mà là đất trọng yếu của nước nhà, nếu một khi mà đổ sụp thì các tỉnh khác cũng tan rã theo, vì thế tôi lấy làm lo sợ, một mặt kíp tư cho các hạt lân cận, một mặt báo tin lên triều đình, xin cho thêm quân để kịp đối phó.
(Ảnh: Internet)
Không ngờ mấy lần có chiếu xuống: Hoặc trách tôi là nắm binh quyền mà lòe nạt, hoặc kết tội tôi là xử lý chưa được thích nghi; cúi đọc lời phán truyền, thực nghiêm khắc hơn rìu búa! Kẻ dưới quyền thất vọng, khôn tính bước tiến lui.
Vẫn biết rằng chuyên chế kém tài, đâu dám cậy cái nghĩa bậc đại phu ra giữ bờ cõi, chỉ nơm nớp tự mình nhắc nhở, phải kính theo tấm lòng thờ vua của người xưa.
Hằng ngày bàn bạc với đôi ba người chức việc, có người bàn nên mở cổng cho chúng tự do ra vào; có người bàn nên rút hết quân đi, để chúng khỏi ngờ vực. Những kế đó dù tôi có phải nát thịt tan xương, cũng không bao giờ nỡ làm.
Việc điều động chưa xong thì chúng liền giở mặt. Ngày mồng 7 tháng này, chúng hạ chiến thư, ngày hôm sau là chúng tiến đánh, quân chúng đông như kiến tụ, súng chúng gầm như sấm vang; ngoài phố lửa cháy tràn lan, trong thành ai nấy táng đởm, tôi vẫn gượng bệnh đốc chiến, đi trước quân lính, bắn chết được hơn trăm tên, giữ thành được nửa ngày.
(Ảnh minh hoạ: Internet)
Vì chúng nó sung sức mà quân ta kiệt hơi rồi, lại thêm tuyệt đường cứu viện, thế lâm đường cùng, quan võ thị sợ giặc chạy trốn từng đàn, quan văn nghe gió cũng chạy theo nốt! Lòng tôi đau như cắt, một tay không thể duy trì. Đã không tài làm tướng, than thân sống cũng bằng thừa; thành mất cứu không xong, biết chắc chết không hết tội! Rút lui để tính toán về sau ư? Mưu trí đã thua Tào Mạt, cắt cổ để cho tắc trách, hành vi đành bắt chước Trương Tuần! Dám rằng trung nghĩa gì đâu, chẳng qua sự thế phải thế!
Trung nguyên mà đắm chìm thành đất giặc, sống càng sạn mặt với nhân sĩ kinh kỳ, cô trung quyết sống thác với thành Rồng (Thăng Long thành) thì xin theo bậc tiên thần họ Nguyễn (Nguyễn Tri Phương) dưới chín suối!
Mấy dòng lệ máu, muôn dặm cửa trời, chỉ mong rực rỡ đôi vầng, xét soi thấu tấc son là đủ!”
(Bản dịch của Hoàng Tạo)
Qua nội dung di biểu gởi vua Tự Đức. Và, cũng là lời tâm huyết cuối cùng của một người hết lòng vì nước, càng thấy rõ Hoàng Diệu là một con người cương trực, một lòng trung với vua, với nước. Hoàng Diệu đã phải đơn độc đấu tranh với những kẻ cơ hội đầu hàng. Ông một lòng quyết tâm đánh Pháp đến cùng để bảo vệ giang sơn. Hoàng Diệu là trung thần đơn độc giữa bối cảnh lịch sử rối ren thời bấy giờ.
(Ảnh minh hoạ: Internet)
Thương tiếc và cảm kích trước sự hy sinh đầy bi tráng của Hoàng Diệu, nhân dân Hà Nội góp tiền mua áo quan, làm lễ mai táng Hoàng Diệu ở vườn Đốc học. 3 năm sau, gia đình ông ở Quảng Nam mới đưa hài cốt của ông về cải táng tại quê nhà.
Trước sự hy sinh của Hoàng Diệu, một con người trung quân ái quốc, nhân sĩ Hà thành đã viết: “Hà thành chính khí ca” và “Hà thành thất thủ ca” ca ngợi Hoàng Diệu và lên án những kẻ tham sống sợ chết, đầu hàng làm tay sai cho giặc. Sĩ tử đất Hà thành đã làm thơ khóc Hoàng Diệu:
Cô thành độc thủ chích thân đan
Khảng khái như công, thế sở nan
Cựu lục thiên thu truyền tiết liệt
Cô thần nhất tử kiến trung can
Thâu sinh thử nhật tâm do quí
Nghịch tặc đương niên cốt dĩ hàn
Thiên tải Nùng sơn tiêu chính khí
Anh hùng đáo xứ lệ tương can.
Diễn nghĩa:
Cô thành chống giữ một mình thôi
Khảng khái như ông được mấy người
Sách cũ nghìn năm gương tiết rọi
Cô thần một chết tấm trung phơi
Sống thừa ngày nọ tâm còn thẹn
Giặc nghịch năm nao sợ rụng rời
Nghìn thuở núi Nùng nêu chính khí
Anh hùng đến đấy, lệ tuôn rơi.
(Bản dịch của Chu Thiên)
(Ảnh: Internet)
Hoàng Diệu là tấm gương sáng về lòng yêu nước, một người có chính khí cao, sống mãi cùng đất nước.
Ánh Trăng (Biên tập theo Nghiencuulichsu)